Hướng dẫn lập dự toán công trình theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP
Ngày 09/02/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Nhưng chưa có Thông tư hướng hướng dẫn lập dự toán công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện khi chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể? Trong bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn của Nghị định này.
Hướng dẫn lập dự toán công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Để lập được dự toán công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng chúng ta cần căn cứ theo 02 nội dung cơ bản như sau:
1. Về hệ thống định mức và đơn giá áp dụng.
Đa số các bạn sẽ hỏi Định mức đã được Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành ban hành có được áp dụng, vận dụng để lập dự toán công trình theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP hay không? Câu trả lời là có vì tại khoản 5 Điều 44 Quy định chuyển tiếp có nêu rất rõ như sau: “Hệ thống định mức xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, công bố tiếp tục được áp dụng, tham khảo để xác định chi phí đầu tư xây dựng theo các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng áp dụng cho dự án cho đến khi hệ thống định mức quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 22 Nghị định này được các cơ quan có thẩm quyền ban hành và có hiệu lực”. Như vậy việc chúng tôi hướng dẫn lập dự toán công trình căn cứ theo Thông tư 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 là hoàn toàn đúng theo quy định của Nghị định này. Do đó các bạn yên tâm thực hiện nhé.
2. Về hệ thống đơn giá xây dựng công trình đã được các tỉnh công bố.
Ngoài ra các bạn cần chú ý nếu như UBND tỉnh các bạn đã công bố bộ đơn giá xây dựng công trình thì chúng ta tiếp tục áp dụng hoặc tham khảo bình thường để lập dự toán và quản lý chi phí đầu tư xây dựng bình thường mà không cần phải chờ đợi đến khi có bộ đơn giá mới theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP được ban hành. Nội dung này được quy định tại khoản 6 Điều 44 của Nghị định này như sau: “Hệ thống giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng do cơ quan có thẩm quyền công bố trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục tham khảo, sử dụng để xác định chi phí đầu tư xây dựng cho đến khi hệ thống giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng được công bố theo quy định tại Điều 26, Điều 27 của Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cập nhật, hướng dẫn sử dụng đơn giá xây dựng công trình khi hệ thống định mức quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 22 Nghị định này được các cơ quan có thẩm quyền ban hành”
3. Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo khoản 7 Điều 44 cũng quy định rất rõ ràng như sau: Các phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng để xác định chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án đang thực hiện các công việc chuẩn bị dự án và các dự án quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này cho đến khi các phương pháp nêu tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Như vậy chúng ta hiểu rằng tại thời điểm chưa có Thông tư hướng dẫn lập dự toán công trình và cách xác định quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP thì chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các công cụ là các Thông tư 09/2019/TT-BXD; Thông tư 11/2019/TT-BXD; Thông tư 15/2019/TT-BXD và Thông tư 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.